Viêm Da Dị Ứng: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Chữa Bệnh

Viêm da dị ứng là bệnh ngoài da phổ biến, gây ảnh hưởng tới nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể. Ngoài cảm giác ngứa ngáy, châm chích, da khô, bệnh còn có thể tiến triển nghiêm trọng và gây ra tình trạng nhiễm trùng. Để nắm được nguyên nhân, biện pháp điều trị, chăm sóc da hiệu quả khi mắc bệnh, các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây. 

Tham khảo : Thuốc điều trị viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng là gì?

Viêm da dị ứng hay còn gọi là chàm thể tạng, chàm cơ địa. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo số liệu thống kê giữa các dân tộc, người châu Á – người Mỹ bản địa chiếm khoảng 13% tỷ lệ người mắc bệnh. Trong khi đó người da trắng là khoảng 11% và người da đen là 10%. 

Đây là bệnh da liễu có tính dai dẳng thường gây khô da, ngứa ngáy dữ dội. Trong trường hợp nặng, bệnh còn khiến vùng da bị tổn thương ửng đỏ, hình thành mụn nước và rỉ dịch. Bệnh chàm thể tạng được chia thành 2 cấp độ là cấp tính và mãn tính:

  • Viêm da dị ứng cấp tính: Là thể bệnh kéo dài từ vài ngày cho tới vài tháng với các triệu chứng điển hình như phù nề, da ửng đỏ, nóng rát, có mụn nước,… 
  • Viêm da dị ứng mãn tính: Ở cấp độ này, các triệu chứng của bệnh sẽ tái lại nhiều lần gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Đồng thời khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều trị, kiểm soát bệnh. 
Hình ảnh viêm da dị ứng
Hình ảnh viêm da dị ứng

Các loại viêm da dị ứng

Chàm thể tạng sẽ được phân loại dựa theo đặc điểm của các triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể như sau:

  • Viêm da dị ứng tiếp xúc: Xuất hiện khi hệ thống miễn dịch phản ứng lại với hiện tượng da tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng trong môi trường. Chẳng hạn như nọc côn trùng cắn, kim loại, mỹ phẩm, hóa chất,…
  • Viêm da dị ứng thời tiết: Là bệnh lý liên quan tới thời điểm, bệnh bùng phát mạnh mẽ vào thời điểm giao mùa, nhất là mùa đông, khi không khí trở lạnh. 
  • Viêm da dị ứng cơ địa: Thường gặp ở những đối tượng có gen dị ứng hoặc cơ địa bị dị ứng. Được biết, đây là bệnh lý khó kiểm soát hoàn toàn và rất dễ tái phát. Đọc thêm viêm da cơ địa là gì
  • Viêm da dị ứng tiếp xúc bội nhiễm: Đây là thể nặng của chàm thể tạng khi các mụn nước vỡ tạo cơ hội cho vi trùng xâm nhập, khiến da sưng, ngứa đỏ, đau rát. Trường hợp không được điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể bị hoại tử da, nhiễm trùng máu,… 

Dấu hiệu viêm da dị ứng

Người bị viêm da dị ứng sẽ có những triệu chứng sau đây:

  • Triệu chứng viêm da dị ứng dễ nhận thấy nhất chính là tình trạng xuất hiện các mảng da tối màu, màu đỏ hoặc nâu xám. 
  • Hình thành các mụn nước nhỏ, có chảy dịch khi bị vỡ. 
  • Mảng da đóng vảy khiến da khô hoặc phồng rộp. 
  • Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có cảm giác chán ăn, mệt mỏi, sốt,…

Nguyên nhân gây viêm da dị ứng

Nguyên nhân gây chàm thể tạng rất đa dạng, tuy nhiên tựu chung lại vẫn có 3 vấn đề yếu tố sau đây:

  • Do yếu tố di truyền. 
  • Do hệ thống miễn dịch kém, không đủ khả năng chống lại mầm bệnh, vi khuẩn, virus. 
  • Ảnh hưởng từ môi trường sống như da tiếp xúc với khói thuốc lá, hợp chất, chất độc hại, không khí ô nhiễm,… 

Phương pháp chẩn đoán

Trên thực tế, chàm thể tạng có thể chẩn đoán thông qua việc thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên để nắm được nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh lý và các yếu tố liên quan, bệnh nhân cần thực hiện thêm các xét nghiệm. 

Quy trình chẩn đoán viêm da dị ứng cơ bản sẽ được tiến hành theo các bước sau:

  • Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng, thăm khám lâm sàng. 
  • Nếu nghi ngờ viêm da do tiếp xúc, bác sĩ sẽ để cho da của bệnh nhân tiếp xúc với một lượng nhỏ chất gây kích ứng, sau đó theo dõi phản ứng của da. Cách làm này nhằm xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị bệnh phù hợp. 
  • Trường hợp do côn trùng cắn, tùy theo lượng độc tính mà các triệu chứng của bệnh có thể nặng hơn. Lúc này bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng tổn thương trên da cũng như lấy mẫu dịch trên da để mang đi xét nghiệm. 

Xem thêm : cách phát hiện bệnh viêm da Demodex

Các biến chứng của bệnh viêm da dị ứng

Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, người bị viêm da dị ứng có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm sau:

  • Khi mắc bệnh, da thường khô ráp, bong tróc, nứt nẻ,… cộng thêm việc cào gãi khiến vi khuẩn, virus có cơ hội xâm nhập và gây nhiễm trùng da. Bệnh nhân bị nhiễm trùng da sẽ có cảm giác mệt mỏi, ớn lạnh, hay rùng mình, vùng da tổn thương cũng có hiện tượng đau nhức, sưng tấy, tiết dịch vàng,… 
  • Bệnh nhân có thể bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng, nặng hơn có thể ngừng hô hấp và tử vong. 
  • Bệnh có thể gây ra những tổn thương tâm lý, nhất là với trẻ nhỏ khi bị các bạn trêu chọc. 
  • Dễ bị mất ngủ do tình trạng ngứa ngáy, đau rát, mệt mỏi. 
Người bệnh dễ bị mất ngủ do ngứa ngáy
Người bệnh dễ bị mất ngủ do ngứa ngáy

Khi nào đi khám bác sĩ?

Khi nhận thấy bản thân có những dấu hiệu sau đây, các bạn cần tới bệnh viện thăm khám ngay:

  • Trên da xuất hiện những ban đỏ, nổi mẩn ngứa rát gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ và các hoạt động thường ngày. 
  • Da có hiện tượng nhiễm trùng, xuất hiện vệt đỏ, mủ, vảy vàng, chảy dịch. 
  • Các triệu chứng không thuyên giảm sau khi đã áp dụng các cách điều trị tại nhà theo hướng dẫn của dược sĩ. 
  • Phát ban, sốt, mệt mỏi trong người. 

Đọc thêm

Cách điều trị viêm da dị ứng hiệu quả

Do là bệnh mãn tính, các cách điều trị bệnh viêm da dị ứng chỉ có khả năng kiểm soát các triệu chứng, diễn tiến của bệnh. Có nghĩa là bệnh sẽ không được điều trị dứt điểm hoàn toàn và có thể tái phát nếu không có biện pháp chăm sóc, phòng tránh phù hợp. 

Dưới đây là một số cách điều trị chàm thể tạng được áp dụng rộng rãi: 

Dùng thuốc

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Thông thường là thuốc dạng kem hoặc thuốc mỡ Corticosteroid, kem dưỡng ẩm để làm dịu da, giảm ngứa. Ngoài ra còn có các loại thuốc bôi có chứa thành phần ức chế calcineurin nhằm tác động tới hệ thống miễn dịch, ngăn cản phản ứng dị ứng quá mức của cơ thể. 

Trường hợp xuất hiện vết loét, có dấu hiệu nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thêm thuốc kháng sinh dạng uống hoặc bôi. Khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Việc lạm dụng hoặc sử dụng thuốc ngắt quãng đều có thể gây ảnh hưởng xấu tới hiệu quả điều trị. 

Áp dụng liệu pháp ánh sáng

Đây là phương pháp sử dụng đèn chiếu hay tia cực tím để ngăn chặn phản ứng miễn dịch gây dị ứng. Biện pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp không đáp ứng với thuốc hoặc thường xuyên tái đi tái lại nhiều lần. 

Liệu pháp ánh sáng chữa viêm da mặc dù mang lại hiệu quả cao nhưng không được khuyến khích sử dụng cho trẻ nhỏ, mẹ bầu. Bên cạnh đó, nếu quá lạm dụng hoặc điều trị sai cách, liệu pháp này có thể khiến làn da bị lão hóa sớm, tăng nguy cơ bị ung thư. 

Chăm sóc tại nhà

Ngoài những biện pháp điều trị nêu trên, người bệnh cũng cần chú ý hơn trong việc chăm sóc da tại nhà bằng cách:

  • Hạn chế để da tiếp xúc với các loại hóa chất hoặc những vật có thể gây dị ứng.
  • Nếu bị dị ứng thực phẩm hãy tham vấn ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp, tránh bị thiếu chất. 
  • Có thể chườm lạnh hoặc ngâm mình trong nước ấm khoảng 15 phút mỗi ngày để giảm ngứa, làm mềm da. 
  • Tránh gãi hoặc làm da bị trầy xước dẫn tới nhiễm trùng. Với trẻ nhỏ, để hạn chế trẻ cào gãi lên da trong lúc ngủ, cha mẹ có thể đeo găng tay cho bé. 
  • Căng thẳng cũng là yếu tố khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn nên bạn cần áp dụng các biện pháp thư giãn, làm dịu tâm trí như hít thở sâu, thiền định, nghe nhạc hoặc tập thể dục,… 
  • Tham khảo các biện pháp điều trị cải thiện các triệu chứng như châm cứu, dùng nước trà xanh, trà ô long, hay dầu dừa để làm dịu da, giảm ngứa, viêm nhiễm. 
Người bệnh có thể dùng dầu dừa để làm dịu da, phục hồi các tổn thương
Người bệnh có thể dùng dầu dừa để làm dịu da, phục hồi các tổn thương

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm da dị ứng hiệu quả?

Viêm da dị ứng hoàn toàn có thể phòng ngừa và hạn chế tần suất tái phát hiệu quả, nếu bạn tuân thủ theo những biện pháp sau đây:

  • Chỉ mua và sử dụng những sản phẩm dưỡng da dịu nhẹ, lành tính, không mùi, không chất gây dị ứng, kích ứng cho da. 
  • Khi sử dụng sản phẩm mới nên test trước ở một vùng da nhỏ trong ít nhất 1 ngày để xem phản ứng. Nếu không có dấu hiệu bất thường, bạn mới nên sử dụng tiếp. Còn trường hợp da bị kích ứng, nổi mẩn hãy tham khảo đổi qua sản phẩm có tác dụng tương tự khác. 
  • Tránh để da tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất hoặc mủ cao su. 
  • Hàng ngày đều nên dưỡng ẩm cho da, nhất là khi ngồi nhiều trong phòng máy lạnh hoặc khi thời tiết chuyển mùa. 
  • Mặc quần áo thoải mái với chất liệu thấm hút mồ hôi tốt. Trường hợp cần ra vườn hoặc tới nơi có nhiều cây xanh, bạn nên mặc quần áo dài để tránh bị côn trùng cắn. 
  • Khám da liễu ngay nếu thấy trên da xuất hiện những triệu chứng bất thường. 

Câu hỏi thường gặp

Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp có liên quan tới bệnh viêm da dị ứng mà bạn có thể tham khảo thêm: 

Ai dễ mắc viêm da dị ứng?

Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị viêm da dị ứng, đặc biệt là những trường hợp kèm theo bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Nếu tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ em chiếm khoảng 10 – 20% thì người lớn chỉ khoảng 2 – 5%. 

Bên cạnh đó, viêm da dị ứng còn có thể xuất hiện ở những người có làn da khô, da nhạy cảm. Trường hợp thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, chứa nhiều hóa chất độc hại. Ngoài ra, thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết đột ngột cũng làm tăng nguy cơ bị chàm thể tạng. 

Viêm da dị ứng có nguy hiểm không?

Viêm da dị ứng không gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh nhưng lại tác động tiêu cực tới đời sống sinh hoạt, tâm lý người bệnh. Điều này dễ nhận thấy nhất là với trẻ em, bởi lúc này làn da của bé vẫn còn khá nhạy cảm và non nớt. 

Thêm vào đó, đây là bệnh da liễu thể mãn tính, kéo dài dai dẳng. Vậy nên bệnh nhân phải chung sống suốt đời với các triệu chứng như ngứa ngáy, da khô, bong tróc, thậm chí là dày sừng gây mất thẩm mỹ. 

Viêm da dị ứng có lây không?

Viêm da dị ứng là bệnh lý lành tính và không có tính truyền nhiễm, lây lan từ người này qua người khác. Bệnh có nguy cơ cao hình thành và phát triển ở những đối tượng bị hen suyễn hoặc dị ứng sẵn. 

Bệnh viêm da dị ứng có tự khỏi không?

Mặc dù là bệnh lành tính, tuy nhiên viêm da dị ứng không thể tự khỏi nếu không được can thiệp y tế. Theo đó, để kiểm soát, làm giảm các triệu chứng, bệnh nhân cần tới bệnh viện thăm khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 

Người bị viêm da dị ứng nên kiêng gì?

Để tránh để bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân cần tránh:

  • Tiếp xúc với hóa chất, dung môi, nước hoa, chất tẩy rửa, thành phần hóa chất – hoạt chất trong các sản phẩm chăm sóc da, khói thuốc, thức ăn dễ gây kích ứng, một số loại vải,… 
  • Hạn chế sử dụng cà phê, thuốc lá, rượu bia hoặc các chất kích thích có hại khác. 
  • Cố gắng điều chỉnh tâm trạng, tránh để bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng, stress quá độ. 

Trên đây là những thông tin về bệnh viêm da dị ứng và các cách điều trị an toàn. Hy vọng những kiến thức mà Học Viện Vietmec mang đến sẽ giúp ích cho bạn trong việc kiểm soát và phòng ngừa bệnh hiệu quả. 

Nguồn tham khảo:

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tải xuống và tận hưởng

Truy cập các khóa học của bạn mọi lúc, mọi nơi & chuẩn bị với các bài kiểm tra thực hành.

Tải ứng dụng