Nổi Mề Đay: Nguyên Nhân, Triệu Chứng,Cách Điều Trị Thế Nào?

Nổi mề đay là một trong những bệnh da liễu thường gặp ở người. Mặc dù ít gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng do các cơn ngứa ngáy dữ dội, bệnh khiến người mắc cảm thấy vô cùng khó chịu. Bên cạnh đó, làn da nổi mẩn đỏ, sưng phù cũng khiến bệnh nhân cảm thấy tự tin, gây tác động xấu tới chất lượng đời sống và tính thẩm mỹ nói chung. Để tránh tình trạng phải sống chung với bệnh suốt đời, các bạn cần nắm được cách điều trị và phòng ngừa ngứa mề đay theo nội dung bài viết dưới đây.

Nổi mề đay là gì?

Nổi mề đay là tình trạng mao mạch trên da phản ứng với các tác nhân kích thích khiến da xuất hiện các nốt, mảng sần, bị phù nề, ngứa ngáy, sưng đỏ, phồng rộp. Hiện tượng da liễu này khá phổ biến, có thể bắt gặp ở cả nam lẫn nữ, trẻ em và người lớn. 

Các nốt sần, ngứa ở bệnh mề đay thường có kích thước – hình dạng khác nhau. Kích thước thay đổi từ dạng chấm vài mm cho tới từng mảng lớn. Phần lớn các trường hợp bị mề đay có xu hướng tự giảm và biến mất sau vài ngày nếu được điều trị tốt. Một số ít trường hợp bị mề đay do yếu tố dị nguyên, có thể phát triển thành bệnh mãn tính và tái diễn nhiều lần. 

Nổi mề đay là bệnh lý da liễu thường gặp ở nhiều đối tượng khác nhau
Nổi mề đay là bệnh lý da liễu thường gặp ở nhiều đối tượng khác nhau

Người bị mề đay nếu không được điều trị sẽ dễ đối diện với nguy cơ bị phù mao mạch dị ứng. Cụ thể là bị sưng phù mặt, lưỡi, môi, mi mắt, cổ họng gây bít tắc đường thở, dẫn tới tử vong. 

Các loại bệnh mề đay

Mề đay được chia thành 2 dạng chính, cụ thể như sau:

Mề đay cấp tính

Ở dạng cấp tính, tình trạng phát ban thường kéo dài dưới 6 tuần, bệnh xuất hiện đột ngột. Các nốt sần có thể tập trung ở một số vùng da nhất định hoặc lan rộng toàn thân. Trong đó, chỉ có 1% trường hợp bị phù mạch gây ngứa, sưng đau. Nếu điều trị và chăm sóc cơ thể tốt, bệnh sẽ nhanh chóng được cải thiện sau 72 giờ. 

>> Tìm hiểu thêm : Mề đay cấp là gì?

Mề đay mạn tính

Các tổn thương do nổi mề đay mạn tính gây nên thường kéo dài trên 6 tuần. Dấu hiệu đặc trưng nhất chỉ là tình trạng phát ban, nổi sẩn ngứa có màu hồng, đỏ, trắng nhạt trên da. Bệnh nhân sẽ hay bị ngứa, nóng rát khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Do ở thể mạn tính nên bệnh thường kéo dài dai dẳng. 

Khi chăm sóc, điều trị không đúng cách rất dễ gây biến chứng như chàm hóa, sạm da, dễ mắc bệnh dị ứng khác. Thậm chí, mề đay mãn tính có thể tác động xấu tới cơ quan hô hấp, tiêu hóa, khiến bệnh nhân bị nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức cơ, khó thở,… 

Dấu hiệu nhận biết hiện tượng nổi mề đay

Người bị mề đay nổi mẩn ngứa sẽ có các biểu hiện – dấu hiệu nhận biết như sau:

  • Xuất hiện các nốt sẩn phù không rõ ranh giới, kích thước to nhỏ khác nhau trên da. Những nốt sẩn phù thường nổi cao trên bề mặt da, có màu đỏ hoặc nhợt nhạt hơn vùng da xung quanh. 
  • Kích thước, hình dáng của mảng sẩn thay đổi nhanh chóng và thường biến mất sau 24 giờ. 
  • Nốt mẩn có thể mọc khu trú hoặc lan rộng toàn thân, nhất là ở vùng có tổ chức lỏng lẻo như môi, mí mắt, vùng kín,… Các nốt sần xuất hiện sẽ làm sưng to một vùng nên còn được gọi là phù mạch. 
  • Trong trường hợp bị phù mạch thanh quản, ống tiêu hóa sẽ khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng khó thở, đau quặn bụng, tụt huyết áp, đi ngoài ra phân lỏng, rối loạn tim mạch, sốc phản vệ,… 
  • Phần lớn các trường hợp bị mề đay đều gây ngứa. Tuy nhiên, nếu càng gãi, cảm giác ngứa càng tăng lên và xuất hiện thêm nhiều nốt sẩn phù khác. 
  • Sau vài phút, vài giờ hoặc 1 – 2 ngày, các nốt sẩn phù sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. 
  • Bệnh hay tái phát theo đợt.
Mề đay có thể mọc thể mọc khu trú hoặc lan rộng khắp cơ thể
Mề đay có thể mọc thể mọc khu trú hoặc lan rộng khắp cơ thể

Nguyên nhân nổi mề đay

Nổi mề đay dị ứng xảy ra khi cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng, từ đó giải phóng histamine và các chất trung gian khiến mạch máu nhỏ giãn nở. Dịch trong mạch máu thoát ra gây tích tụ trong da gây phù mạch, viêm, phát ban đỏ. Tùy theo yếu tố cơ địa, nguyên nhân gây nổi mề đay cũng có sự thay đổi. Tuy nhiên điển hình nhất vẫn là có tác nhân sau:

  • Do dị ứng thực phẩm.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc cao huyết áp. 
  • Nhiễm vi khuẩn, virus, vi nấm, nấm mốc, ký sinh trùng,…
  • Lông động vật. 
  • Do dùng phụ gia thực phẩm, chất bảo quản.
  • Bụi bẩn, phấn hoa. 
  • Ánh nắng mặt trời. 
  • Nhiệt độ thay đổi một cách đột ngột, lúc nóng, lúc lạnh. 
  • Ong đốt. 
  • Dị ứng mỹ phẩm.
  • Dị ứng với mủ cao su.
  • Chà xát da mạnh, mặc đồ quá chật – quá bí, ngồi lâu, đeo giỏ – ba lô nặng,… 
  • Căng thẳng – stress quá độ. 
  • Nhiễm virus, nhiễm trùng đường tiết niệu, mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, bệnh tiểu đường tuýp 1, bệnh celiac, bệnh Sjögren,…

Nổi mề đay có nguy hiểm không?

Như đã nói trước đó, hầu hết các trường hợp mắc bệnh mề đay đều không nguy hiểm và sẽ nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, nếu xuất hiện triệu chứng sưng mạch ở khí quản, vùng họng dẫn tới khó thở, thở gấp,… Mề đay xuất hiện ở đường tiêu hóa gây đau quặn bụng, tiêu chảy, nôn ói,… Hay mề đay xảy ra ở tổ chức não, khiến não bị phù nề thì đều nguy hiểm. 

Lúc này, người bệnh bị nổi mề đay sẽ bị giãn mạch nhanh, đột ngột tụt huyết áp, gây choáng váng. Ở những trường hợp này, nếu không cấp cứu nhanh, bệnh nhân có thể mất mạng do sốc phản vệ. 

Xem thêm : Mẹ bầu bị nổi mề đay sau sinh có nguy hiểm không?

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Quy trình chẩn đoán bệnh nổi mề đay sẽ được thực hiện để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Việc tìm ra nguyên nhân sẽ giúp các bác sĩ lên phác đồ điều trị mề đay chính xác, hạn chế tối đa nguy cơ để bệnh tái phát và hình thành biến chứng. 

Chẩn đoán lâm sàng

Bệnh nhân tới khám mề đay sẽ được bác sĩ kiểm tra tình trạng da. Đồng thời đặt ra các câu hỏi liên quan về tình trạng sức khỏe, lối sống, yếu tố gia đình, môi trường xung quanh, môi trường làm việc,… Từ đó đưa ra các chẩn đoán lâm sàng và xem xét chỉ định bệnh nhân thực hiện các thủ thuật xét nghiệm để đưa ra nhận định chính xác hơn. 

Bệnh dị ứng mề đay có thể nhận biết thông qua chẩn đoán lâm sàng
Bệnh dị ứng mề đay có thể nhận biết thông qua chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán cận lâm sàng

Một người được xác định là mắc bệnh mề đay hay không sẽ được chẩn đoán thông qua việc khám lâm sàng. Còn cận lâm sàng sẽ giúp bác sĩ biết được đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. 

Để biết nguyên nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm công thức máu để xác định lượng bạch cầu ái toan. Trường hợp nghi ngờ do mạt bụi, phấn hoa,… sẽ tiến hành tìm dị nguyên bằng IgE. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Mọi người có thể tự phòng tránh hoặc hạn chế nguy cơ bị mề đay nếu biết chính xác nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp không xác định được nguyên nhân hoặc cảm thấy trong người có các biểu hiện khác lạ như:

  • Triệu chứng mề đay không được cải thiện sau 2 ngày. 
  • Các mảng sẩn phù lan rộng, khó kiểm soát. 
  • Mề đay liên tục tái phát. 
  • Có hiện tượng sốt nhẹ, không khỏe trong người. 
  • Thấy có hiện tượng sưng phù ở dưới da (phù mạch),… thì cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ để thăm khám, xử lý.

Bệnh nhân cần được cấp cứu ngay nếu thấy cơ thể nổi mẩn đỏ kèm theo tình trạng buồn nôn, tim đập nhanh, sưng môi, lạnh run, sốt, choáng váng, ngất xỉu,… Bởi mề đay nếu không được điều trị kịp thời, trong trường hợp nguy hiểm, bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ, dẫn tới tử vong. 

Các cách chữa dị ứng mề đay cho hiệu quả tốt

Thông thường, nổi mề đay ít gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Để giúp kiểm soát các triệu chứng, giúp người bệnh thoải mái hơn, bác sĩ có thể chỉ định – hướng dẫn bệnh nhân thực hiện theo các phương pháp điều trị sau: 

Tìm hiểu cách chữa mề đay tại nhà

Muốn chữa mề đay hiệu quả, đầu tiên cần xác định được chính xác tác nhân khiến bạn bị nổi mề đay và cách ly chúng. Thông thường, dị ứng mề đay sẽ phát sinh khi tiếp xúc trong thời gian dài với ánh nắng mặt trời, dùng thuốc điều trị mới, do stress căng thẳng, côn trùng cắn hoặc do nhiễm vi khuẩn, nấm, virus,… 

Bên cạnh việc cách ly với các yếu tố gây nổi mề đay, bệnh nhân cũng có thể áp dụng theo các cách điều trị mề đay tại nhà khác như: Chườm lạnh, dùng gel lô hội, dùng dung dịch chống ngứa (bột soda, bột yến mạch,..).

Đọc thêm: Cách trị nổi mề đay tại nhà bằng mẹo dân gian

Dùng thuốc kê đơn theo chỉ dẫn của bác sĩ

Dựa theo tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị mề đay mẩn ngứa hiệu quả cho từng đối tượng bệnh nhân. Với trường hợp bị mề đay cấp tính, bệnh có thể thuyên giảm mà không cần can thiệp y tế hoặc có thể nhanh chóng biến mất sau khi dùng thuốc. Mề đay mãn tính sẽ điều trị khó khăn hơn do bệnh thường xuyên lặp lại nên cần kết hợp điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt để cho hiệu quả tốt. 

Người bệnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Người bệnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Điều trị mề đay cấp tính

Việc điều trị mề đay cấp tính khá dễ dàng, thậm chí không cần điều trị mà chỉ cần cách ly với yếu tố gây bệnh. Song nếu các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm sau vài giờ, bệnh nhân cần dùng thuốc bôi, thuốc uống để cải thiện tình trạng. 

Thuốc bôi:

Thuốc bôi chủ yếu sẽ chứa menthol được chiết xuất từ các thành phần tự nhiên như bạc hà để làm mát da, giảm ngứa. Ngoài ra còn có các loại kem dưỡng ẩm để làm dịu da, giúp da phục hồi nhanh chóng sau các tổn thương bên ngoài. 

Thuốc uống: 

  • Ở dạng thuốc uống, lựa chọn hàng đầu sẽ là thuốc kháng histamin H1 để ức chế quá trình phóng thích histamin, giảm ngứa cũng như kiểm soát các tổn thương. Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với thuốc kháng histamin H1 sẽ chuyển qua dùng histamin H2. Thuốc kháng histamin H2 có khả năng ngăn chặn sự phóng thích histamin vào da và niêm mạc. 
  • Thuốc kháng cholin dùng cho những đối tượng bị mề đay do cơ thể đổ nhiều mồ hôi, tăng thân nhiệt (mề đay Cholinergic). 
  • Ngoài ra còn có Corticoid đường uống dùng để điều trị mề đay nặng, có tiến triển nhanh. Loại thuốc này cần cân nhắc sử dụng vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn. 

Thuốc trị mề đay mãn tính

Thể bệnh này gây khó khăn trong việc điều trị, nên ngoài việc dùng thuốc như đã nêu trên, bệnh nhân cũng cần cách ly với các yếu tố gây bệnh đã được xác định. Theo đó:

  • Bệnh nhân cần loại trừ căn nguyên, các yếu tố có khả năng gây bệnh như thức ăn, thực vật, động vật, nhiễm trùng,… 
  • Kiêng rượu, đồ uống chứa cồn. 
  • Dùng thuốc kháng histamin trong ít nhất 3 tháng và giảm dần liều lượng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa trước khi giảm hẳn.

>> Tham khảo: Thuốc trị nổi mề đay hiệu quả

Làm sao để phòng ngừa nổi mề đay?

Nổi mề đay có thể phòng ngừa, hạn chế nếu bệnh nhân chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh sinh sống hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi,… 
  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể, giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, stress,… 
  • Tránh tiếp xúc với phấn rôm, xà phòng, hóa chất, phấn hoa, hải sản,…
  • Vào thời điểm giao mùa nên che chắn da cẩn thận và hạn chế đi ra ngoài nếu không cần thiết. 
  • Mặc đồ rộng rãi, thoáng mát, tránh dùng những loại vải dễ gây kích ứng như da lộn, đồ len,… 
  • Đeo găng tay, ủng, đồ bảo hộ nếu phải tiếp xúc với hóa chất, mỹ phẩm,… 
  • Tập thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng, cải thiện sức khỏe, tránh để bệnh có nguy cơ tái phát. 
  • Sử dụng thuốc điều trị bệnh theo đúng hướng dẫn, đơn kê của bác sĩ để hạn chế tối đa nguy cơ gặp tác dụng phụ, gây dị ứng, nổi mề đay ngứa. 
  • Ưu tiên bổ sung cho cơ thể những thực phẩm có tính giải nhiệt như củ mài, bí đao, mướp đắng, đậu phụ,… Bên cạnh đó có thể uống nước ép cam, cà rốt, bưởi, mật ong và ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi. 
Bệnh nhân có thể uống nước ép cam hoặc ăn nhiều hoa quả hơn
Bệnh nhân có thể uống nước ép cam hoặc ăn nhiều hoa quả hơn

Một số vấn đề liên quan

Dưới đây là một số thắc mắc về tình trạng nổi mề đay mà người bệnh có thể đọc thêm: 

Bệnh dị ứng nổi mề đay có lây không?

Bệnh mề đay không có yếu tố truyền nhiễm, không lây từ người này qua người khác nhưng có tính dai dẳng, tái phát nhiều lần. Trường hợp trong gia đình có cha mẹ từng bị mề đay mãn tính sẽ khiến con cái sinh ra nhạy cảm với các yếu tố dễ gây dị ứng như thuốc, thức ăn, thời tiết, không khí,…

Đâu là vị trí thường xuất hiện?

Nổi mề đay có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở cánh tay, chân, cổ họng và mặt. Chi tiết như sau:

  • Vùng cổ: Đây là vùng da khá nhạy cảm nên việc chà xát nhẹ cũng có thể làm xuất hiện các mảng mề đay. 
  • Mông: Là khu vực cọt sát nhiều với quần áo nên rất dễ làm người bệnh thấy khó chịu. 
  • Mặt: Các nốt sần xuất hiện rải rác hoặc tập trung ở gò má, môi khiến bệnh nhân thấy khó chịu, mất tự tin khi giao tiếp. Những nốt sần có thể lan xuống cổ họng, đường hô hấp gây khó thở và có nguy cơ bị sốc phản vệ. 
  • Chân: Hình thành do phản ứng với các vết cắn từ công trùng, làm mẩn đỏ ngứa xuất hiện theo từng đám. Mỗi mẩn đỏ lại có chứa dịch với kích thước từ 0.2 – 2cm.
  • Hai cánh tay: Đầu tiên các nốt mẩn ngứa sẽ xuất hiện ở một vài vị trí, sau đó sẽ lan ra cả cánh tay. 

Mề đay mẩn ngứa có chữa khỏi được không?

Mề đay cấp tính có thể tự khỏi trong vài ngày mà không cần điều trị. Nhưng nổi mề đay mãn tính sẽ rất khó để chữa khỏi dứt điểm, bệnh sẽ tái lại nhiều lần và gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ tiêu hóa, cơ bắp và phổi. 

Trong trường hợp mắc bệnh mề đay do di truyền, khả năng chữa khỏi là cực thấp. Bệnh nhân chỉ có thể áp dụng các biện pháp điều trị để cải thiện các triệu chứng. Đồng thời tìm ra nguyên nhân gây bệnh để hạn chế nguy cơ tái phát hoặc để bệnh tiến triển nặng hơn. 

Mề đay kiêng gì?

Người bị ngứa nổi mề đay cần nói “không” với những thói quen và thực phẩm sau đây:

  • Không dùng mỹ phẩm làm từ hóa chất. 
  • Tránh cào gãi, chà xát lên da.  
  • Hạn chế tối đa việc dùng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, cà phê, nước uống có ga,… 
  • Kiêng gió (kể cả gió từ quạt), ánh nắng mặt trời, khi muốn ra ngoài cần che chắn da cẩn thận. 
  • Tránh tắm nước lạnh – nước quá nóng, tắm quá lâu hoặc dùng sản phẩm chăm sóc da không phù hợp. 
  • Cần giảm lượng đường, muối dung nạp vào cơ thể. 
  • Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều nước như canh, súp,… 
  • Kiêng thực phẩm giàu đạm như tôm, cua, cá biển, trứng, sữa, thịt bò, đồ ăn cay nóng, chiên rán nhiều lần,… 
Các bạn nên kiêng ăn hải sản trong thời gian bị nổi mề đay
Các bạn nên kiêng ăn hải sản trong thời gian bị nổi mề đay

Cách phân biệt mề đay với các tổn thương khác

Để phân biệt mề đay với các tổn thương khác, các bạn cần dựa theo triệu chứng của bệnh. Theo đó, người bị nổi mề đay thường xuất hiện các nốt sẩn, mảng hồng ban hoặc trắng có giới hạn rõ ràng trên da. Kích thước – hình dạng của mề đay sẽ thay đổi từ hình tròn, hình bầu dục, hình đa cung tới việc hình thành thành từng mảng lớn. 

Mề đay thường gây ngứa, nếu gãi nhiều sẽ hình thành nên các tổn thương và xuất hiện bóng nước, gây xuất huyết kèm tróc vảy. Vị trí xuất hiện mề đay thường là trên da, niêm mạc, có những trường hợp hình thành ở thanh quản, đường tiêu hóa. 

Kết luận, lời khuyên

Nhìn chung, mề đay là bệnh lý phổ biến và có thể bắt gặp ở nhiều đối tượng khác nhau. Bệnh có thể xuất hiện đột ngột và biến mất nhanh chóng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp bệnh đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người mắc. Vì thế, mọi người không nên chủ quan trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị mề đay mẩn ngứa. 

Trên đây là những thông tin về bệnh nổi mề đay và các triệu chứng, nguyên nhân, cách chữa trị bệnh hiệu quả. Qua đây, hi vọng bạn đã có đủ những kiến thức hữu ích về bệnh mề đay cũng như biết cách phòng tránh – điều trị bệnh lý này. 

Nguồn tham khảo:

  • https://tamanhhospital.vn/me-day/
  • https://benhvienlaovabenhphoi.thainguyen.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/xhpJYCYysU6D/content/tre-cham-moc-rang-co-nguy-hiem-khong-/2279735?noi-me-day.html
  • https://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_ng%E1%BB%A9a

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tải xuống và tận hưởng

Truy cập các khóa học của bạn mọi lúc, mọi nơi & chuẩn bị với các bài kiểm tra thực hành.

Tải ứng dụng