Viêm Da Cơ Địa: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị Hiệu Quả

Viêm da cơ địa là bệnh da liễu phổ biến với các triệu chứng khá điển hình, đặc biệt là tình trạng ngứa ngáy, dày sừng trên da. Bệnh lý thường có liên quan tới yếu tố di truyền hoặc trở nên nặng hơn khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như hóa chất, ô nhiễm, khói bụi, thực phẩm,… Ngoài những tổn thương da dai dẳng gây mất thẩm mỹ, bệnh nhân còn cảm thấy thiếu tự tin, mất ngủ, giảm chất lượng cuộc sống và công việc.

Bệnh viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa là một dạng đặc biệt của bệnh chàm – thuật ngữ dùng để chỉ nhiều loại viêm da có đặc điểm giống nhau. Chẳng hạn như chàm ở tay, viêm da tiếp xúc, bệnh tổ đỉa, viêm da thần kinh, viêm da ứ nước,… 

Bệnh khi xuất hiện sẽ có các biểu hiện đặc trưng như xuất hiện mảng viêm đỏ, bong tróc, rỉ dịch, ngứa ngáy,… Trong trường hợp bệnh nhân không kiểm soát được hành vi, càng gãi nhiều sẽ càng làm da bị chấn thương, trầy xước và khiến da bị nhiễm trùng. 

Ở Việt Nam, viêm da cơ địa chiếm khoảng 5% dân số, thường gặp nhất là nhóm đối tượng sơ sinh do yếu tố di truyền. Bệnh lý sẽ thuyên giảm dần, ít tái phát hơn khi trẻ lớn lên. Trong nhiều trường hợp, viêm da cơ địa sẽ kèm theo hiện tượng viêm mũi dị ứng, hen suyễn, dị ứng thực phẩm gây ra một loạt bệnh lý dị ứng cơ địa khác. 

Tìm hiểu thêm : Dị ứng da mặt mẩn đỏ ngứa là bệnh gì

Viêm da cơ địa khá phổ biến ở trẻ nhỏ
Viêm da cơ địa khá phổ biến ở trẻ nhỏ

Triệu chứng viêm da cơ địa

Bên cạnh các triệu chứng điển hình như dày sừng, chảy dịch, viêm đỏ, tróc vảy, nứt nẻ da, ngứa ngáy khó chịu. Các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa còn phụ thuộc vào từng độ tuổi và giai đoạn tiến triển. 

Triệu chứng ở trẻ sơ sinh

Viêm da cơ địa khởi phát ở trẻ từ 0 – 1 tuổi (chủ yếu là 2 – 3 tháng đầu sau sinh) thường có những biểu hiện như sau:

  • Da bé xuất hiện các ban đỏ, tróc vảy ở 2 bên má, trán, quanh miệng, cổ, bẹn, các kẽ da hoặc ở toàn thân. 
  • Vùng da ban đỏ mọc nhiều mụn nước nhỏ. Sau một thời gian, các mụn nước nhỏ vỡ ra, chảy dịch gây viêm trợt. 
  • Viêm loét đóng vảy, khô và có thể bị nhiễm khuẩn thứ phát. 
  • Do cảm giác ngứa ngáy nên các bé bị mất ngủ, quấy khóc nhiều. 
  • Một số bé bị viêm tai giữa, tiêu chảy. 

Triệu chứng viêm da cơ địa dị ứng ở trẻ nhỏ

Nhóm đối tượng trẻ em từ 2 – 12 tuổi khi mắc bệnh sẽ có thể nhận biết thêm qua các dấu hiệu như:

  • Bệnh thường đi kèm với tình trạng viêm kết mạc dị ứng, đục thủy tinh thể. 
  • Da nứt nẻ, khô ráp, ngứa ngáy nhiều. 
  • Xuất hiện các tổn thương da ở vùng sau – trên đầu gối, khuỷu tay, kẽ da (các nếp da),… 
  • Hình thành mảng lichen hóa dạng đĩa, bị sẩn ngứa và khô da,…. 

Triệu chứng của viêm da cơ địa ở người trưởng thành

Triệu chứng viêm da cơ địa ở người lớn không nghiêm trọng như trẻ nhỏ. Điều này được lý giải là do sức đề kháng và làn da của người trưởng thành không quá nhạy cảm như các bé. Mặt khác, các triệu chứng viêm da cơ địa trên da ở người lớn lại có sự khác biệt khá lớn, cụ thể là:

  • Các biểu hiện thường đi kèm với bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng, dị ứng thực phẩm. 
  • Xuất hiện nhiều ban đỏ, trên bề mặt da có mụn nhỏ và nông. 
  • Mụn nước khi vỡ ra sẽ chảy dịch gây phù nề, vảy tiết gây ngứa, nóng rát, sưng đau rất khó chịu. 
  • Vùng da bị tổn thương có thể gây bội nhiễm, sưng nóng, viêm loét, hình thành mụn mủ. 
  • Ở trường hợp mãn tính, làn da của bệnh nhân còn bị thâm sạm, dày sừng, nứt nẻ, ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội. 

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa

Các nghiên cứu cho thấy, viêm da cơ địa thường hình thành do yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, bệnh có thể xuất hiện do những nguyên nhân sau:

  • Thường có liên quan tới các tác nhân như xà phòng, chất tẩy rửa, môi trường ô nhiễm, dị ứng thời tiết,… 
  • Đối tượng hay bị dị ứng. 
  • Do dị ứng thực phẩm, nhất là ở trẻ nhỏ. 
  • Nhiễm trùng cấp tính làm suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da. 
  • Căng thẳng thần kinh, áp lực trong khoảng thời gian dài. 
  • Do rối loạn nội tiết. 
Suy giảm miễn dịch cũng là nguyên nhân khiến bệnh có cơ hội bùng phát
Suy giảm miễn dịch cũng là nguyên nhân khiến bệnh có cơ hội bùng phát

Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?

Nhìn chung viêm da cơ địa khá lành tính, nhưng nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng như:

  • Hơn 50% trẻ bị viêm da cơ địa có nguy cơ bị bệnh hen suyễn, sốt cỏ khô. 
  • Viêm da thần kinh mãn tính, khiến bệnh nhân có xu hướng cào gãi nhiều gây ra các tổn thương trên da. Từ đó gây ra hiện tượng đổi màu, dày sừng trông rất mất thẩm mỹ. 
  • Da bị tổn thương do gãi nhiều có thể làm xuất hiện các vết nứt, vết loét, khiến vi khuẩn, virus xâm nhập và gây nhiễm trùng da. 
  • Viêm da tay là biến chứng gây khó chịu cho bệnh nhân khi mắc phải bệnh lý này. Đây là tình trạng thường xảy ra với những đối tượng làm việc trong môi trường ẩm ướt, hay phải tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa. 
  • Bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, thường xuyên thức dậy lúc nửa đêm. 
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng, kích ứng do tiếp xúc với môi trường có hóa chất công nghiệp, mỹ phẩm hoặc do ô nhiễm môi trường,… 

Biện pháp chẩn đoán

Tương tự như bệnh nổi mề đay, viêm da cơ địa thường được chẩn đoán thông qua việc khám lâm sàng. Sau khi hỏi về bệnh sử của bệnh nhân và gia đình, xem qua tình trạng da, bác sĩ sẽ có những chẩn đoán ban đầu. 

Để củng cố thêm tính chính xác cho các chẩn đoán, bệnh nhân sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân, xác định mức độ nặng – nhẹ, biến chứng nếu có. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc lên phác đồ điều trị và phòng bệnh tái phát về sau. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Mặc dù viêm da cơ địa không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều tới chất lượng đời sống, tinh thần người bệnh. Chính vì thế, bệnh nhân cần tới bệnh viện thăm khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường. Đặc biệt là khi xuất hiện tình trạng da sưng đỏ, có mụn mủ, sốt, đau rát, mệt mỏi trong người,… 

Cách chữa bệnh viêm da cơ địa hiệu quả theo từng giai đoạn

Các phương pháp điều trị bệnh viêm da cơ địa hiện nay đều hướng tới mục đích làm giảm triệu chứng và kiểm soát bệnh. Bởi chàm da là bệnh mãn tính, không thể chữa dứt điểm hoàn toàn. 

Dựa theo từng giai đoạn cụ thể, bác sĩ chỉ định và khuyến khích bệnh nhân nên áp dụng theo những phương pháp sau: 

Các cách chữa trị trong giai đoạn bệnh bùng phát

Trong giai đoạn bệnh bùng phát, bệnh nhân thường được yêu cầu sử dụng các loại thuốc và một số sản phẩm chăm sóc da như:

  • Dùng kem chống ngứa: Là sản phẩm giúp làm dịu da, giảm cảm giác ngứa ngáy cũng như tránh nguy cơ hình thành các tổn thương. Nếu cơn ngứa ngáy không được thuyên giảm nhiều, bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ cho dùng thêm thuốc kháng histamine chống dị ứng. 
  • Kem dưỡng ẩm: Da lúc này sẽ khá khô nên cần sử dụng thêm kem dưỡng ẩm để làm mềm da với tần suất 2 – 3 lần/ngày. Tuy nhiên cần tránh thoa kem dưỡng lên vùng da có vết thương hở, đang bị chảy dịch. 
  • Dùng thuốc kháng sinh khi da nhiễm trùng: Kháng sinh chỉ dùng khi có hiện tượng bị nhiễm trùng và thời gian sử dụng không kéo dài quá 5 – 7 ngày. Trong trường hợp vết thương chảy dịch, bị hở thì cần đắp gạc, vệ sinh thay băng để tránh bị bội nhiễm. 
  • Thuốc corticosteroid: Hiệu quả dùng corticosteroid tại chỗ trị viêm càng lớn thì nguy cơ gặp phải tác dụng phụ càng cao. Vậy nên, loại thuốc này chỉ có thể dùng trong thời gian ngắn từ 3 – 7 ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời cần đặc biệt chú ý khi dùng corticosteroid cho trẻ em hoặc nhóm đối tượng có cơ địa nhạy cảm khác. Nếu lạm dụng thuốc kháng viêm, màu sắc da bị biến đổi, da mỏng, mọc nhiều lông, tăng nguy cơ nhiễm trùng. 
  • Liệu pháp ánh sáng: Áp dụng với những trường hợp không đáp ứng với các biện pháp điều trị tại chỗ hoặc tần suất tái phát bệnh dày đặc. Cụ thể phương pháp này sẽ sử dụng tia cực tím (UVC – UVB – UVA) nhằm ức chế tổng hợp ADN, giảm sự tăng sinh tế bào. Đồng thời làm giảm chức năng của tế bào langerhans, lympho và kích thích sản xuất cytokin của tế bào sừng nhằm rút ngắn thời gian trị bệnh. Song phương pháp này không được khuyến khích cho người đang điều trị bằng tia xạ, phụ nữ mang thai, cho con bú, người có tiền sử u da, lupus ban đỏ, ung thư tế bào đáy,… 
Liệu pháp ánh sáng được áp dụng cho những trường hợp bị bệnh nặng
Liệu pháp ánh sáng được áp dụng cho những trường hợp bị bệnh nặng

Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh có thể tham khảo áp dụng một số mẹo dân gian trị bệnh như chườm lạnh, thoa gel nha đam,… Bệnh nhân cũng có thể ngâm rửa vùng da bị viêm, chàm với nước cây vòi voi, lá lốt, lá trầu không hoặc lá khế nhằm tăng hiệu quả sát trùng, chống viêm, làm dịu da. 

Ở giai đoạn này, bệnh nhân cũng cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch. Tránh để những căng thẳng, áp lực trong công việc làm ảnh hưởng tới tinh thần, khiến bệnh trở nặng. Tốt nhất hãy dành thời gian để thư giãn, ngủ nghỉ điều độ và thường xuyên tập thể dục. 

Tham khảo :

Giai đoạn điều trị duy trì

Sau khi bệnh đã ổn định, bệnh nhân không nên chủ quan. Lúc này các bạn vẫn cần tiếp tục điều trị duy trì bằng cách sau:

  • Tiếp tục dùng kem dưỡng ẩm.
  • Ưu tiên chọn mỹ phẩm dịu nhẹ, dành cho da nhạy cảm. 
  • Xây dựng riêng cho bản thân một chế độ ăn uống khoa học – lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
  • Không tắm quá 20 phút/lần, ưu tiên sử dụng nước ấm để tắm thay vì nước quá nóng hay quá lạnh. 
  • Nên dùng cố định 1 loại xà phòng, dầu gội, nước hoa, chất tẩy rửa nếu chúng không gây ra hiện tượng kích ứng. 
  • Tránh ăn thức ăn dễ dị ứng, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. 
  • Tránh cào gãi da. 
  • Mặc áo thoáng mát, mềm mỏng trong thời tiết nóng. 
  • Uống đủ nước mỗi ngày. 

Biện pháp phòng ngừa viêm da cơ địa

Ngoại trừ yếu tố di truyền, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa và dày sừng, mọi người có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa dưới đây:

  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, nhất là sau khi cơ thể ra nhiều mồ hôi hoặc có tiếp xúc với môi trường nhiều bụi ô nhiễm. 
  • Không tắm với nước quá nóng vì có thể khiến da bị khô, gây ngứa và viêm. 
  • Nên bôi kem dưỡng ẩm cho da ngay sau khi vừa tắm xong để giảm tình trạng nứt nẻ, viêm nhiễm. 
  • Tránh ăn hải sản hoặc dung nạp các loại thực phẩm dễ gây dị ứng. 
  • Hạn chế uống rượu, hút thuốc lá cũng như các chất kích thích có nguy cơ làm bệnh bùng phát. 
  • Sử dụng nước hoa, mỹ phẩm, xà phòng tắm gội dịu nhẹ, phù hợp với làn da của bạn. Trước khi dùng, nên đọc kỹ hướng dẫn, nếu có thể hãy test trước sản phẩm trước khi muốn sử dụng lâu dài. 
  • Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc hay tăng – giảm liều lượng. 

Các câu hỏi liên quan

Khi mắc bệnh, ngoài những vấn đề chuyên môn nêu trên, bệnh nhân còn thắc mắc thêm một số vấn đề như sau:

Ai có nguy cơ cao bị viêm da cơ địa?

Theo các thống kê được thực hiện tại Mỹ, trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị viêm da cơ địa. Cụ thể, tỷ lệ trẻ mắc là 11,6%, trong khi người lớn chỉ khoảng 7,2%. Nghiên cứu cũng cho thấy, người có hệ miễn dịch yếu, hay bị dị ứng hoặc tiền sử trong gia đình có người từng bị dị ứng, hen suyễn, viêm da cơ địa thì dễ mắc bệnh hơn. 

Bệnh viêm da cơ địa có chữa khỏi được không?

Viêm da cơ địa là bệnh mãn tính, do đó không thể chữa dứt điểm hoàn toàn. Tuy nhiên, việc dùng thuốc, chăm sóc sức khỏe đúng cách, ăn uống khoa học có thể giúp cải thiện bệnh lý cũng như hạn chế để bệnh tái phát hiệu quả. 

Bệnh viêm da cơ địa không thể chữa khỏi hoàn toàn
Bệnh viêm da cơ địa không thể chữa khỏi hoàn toàn

Viêm da cơ địa có lây không?

Không giống với các bệnh da liễu khác, viêm da cơ địa không có tính lây lan từ người này qua người khác. Điều này có nghĩa rằng, việc tiếp xúc trực tiếp với chất dịch từ mụn nước, dịch tiết từ các tổn thương do bệnh gây da không làm tăng nguy cơ mắc viêm da cơ địa. Song đây là bệnh lý có tính di truyền cao. 

Người bị viêm da cơ địa nên ăn gì, kiêng gì?

Chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng sức khỏe của người bệnh. Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân cần xây dựng cho mình thực đơn ăn uống khoa học, phù hợp và đầy đủ dinh dưỡng để cải thiện bệnh lý. 

  • Thực phẩm nên ăn: Bệnh nhân nên ăn các loại cá giàu omega như cá ngừ, cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu,… Bổ sung thêm các sản phẩm lên men có chứa nhiều probiotic, trái cây, rau củ chứa flavonoid như táo, cải bó xôi, súp lơ xanh, cải xoăn, dâu,… 
  • Thực phẩm cần kiêng: Hạn chế dung nạp thực phẩm có khả năng gây dị ứng, khiến bệnh trở nặng hơn như cà chua, các loại hạt, trứng, đậu nành, sữa, vani, đinh hương, quế,… Trà đen, thịt đóng hộp, hải sản có vỏ, socola, cần tây, táo xanh, lê, cà rốt, hạt phỉ cũng là những thực phẩm mà bệnh nhân cần tránh. 

Viêm da cơ địa tuy không thể điều trị dứt điểm nhưng có thể dễ dàng kiểm soát thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Tùy theo mức độ bệnh lý, nhu cầu và mong muốn cụ thể, bệnh nhân có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn cách điều trị phù hợp. 

Nguồn tham khảo: https://thainguyenmedical.com/benh-hoc/benh-viem-da-co-dia

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tải xuống và tận hưởng

Truy cập các khóa học của bạn mọi lúc, mọi nơi & chuẩn bị với các bài kiểm tra thực hành.

Tải ứng dụng