Táo Bón Sau Sinh: Bao Lâu Thì Hết? Cách Trị Hiệu Quả
Táo bón sau sinh khiến sản phụ gặp nhiều khó khăn trong việc đi đại tiện, thậm chí là gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Vì thế, khi có triệu chứng của bệnh táo bón mẹ nên có biện pháp can thiệp càng sớm càng tốt giúp giải quyết dứt điểm tình trạng bệnh. Bài viết dưới đây là tổng hợp các nguyên nhân gây táo bón sau sinh và cách điều trị hiệu quả bạn có thể tham khảo.
Táo bón sau sinh là gì? Nguy hiểm không?
Táo bón là hiện tượng đi đại tiện ít hơn 3 lần/ngày và gặp khó khăn trong việc đài thải phân ra bên ngoài. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường gặp nhất là phụ nữ đang mang thai và sau sinh. Chuyên gia cho biết, táo bón sau sinh là một dạng táo bón chức năng, bệnh khởi phát do ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Khi bị táo bón, mẹ sẽ luôn có cảm giác đầy bụng và mệt mỏi. Tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau đó hoặc sau khi bạn điều chỉnh lại thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, nếu bị táo bón kèm theo các triệu chứng bất thường như lẫn máu và chất nhầy trong phân, đau bụng dữ dội, táo bón và tiêu chảy diễn ra xen kẽ,… thì tuyệt đối không được chủ quan. Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý về đường tiêu hóa khác, cần nhanh chóng thăm khám và điều trị đúng cách. Ở những trường hợp bị táo bón kéo dài cũng nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn xử lý đúng cách. Nếu để lâu sẽ làm gia tăng nguy cơ bị trĩ, nứt kẽ hậu môn,… Đồng thời, táo bón kéo dài còn có nguy cơ bị nhiễm độc hệ tiêu hóa và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Táo bón sau sinh là tình trạng thường gặp, mẹ không nên quá lo lắng để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm trạng. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra kéo dài thì bạn cũng không nên chủ quan trong việc điều trị, thay vào đó hãy có các biện pháp cải thiện càng sớm càng tốt đến tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống hàng ngày.
Nguyên nhân gây táo bón sau sinh
Táo bón sau sinh có thể xảy ra do tác động của nhiều yếu tố khác nhau, nhưng thường là do thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học của sản phụ. Dưới đây là tổng hợp các nguyên nhân gây táo bón sau sinh thường gặp bạn có thể tham khảo:
- Áp lực từ thai nhi: Trong quá trình mang thai, sự phát triển của thai nhi đã gây áp lực lớn lên đại tràng và khiến chức năng của cơ quan này bị ảnh hưởng đáng kể. Lúc này, nhu động ruột sẽ suy giảm và dẫn đến táo bón. Sau khi sinh, tình trạng này vẫn có thể diễn ra kéo dài trong vài tháng liền sau đó.
- Cơ thể thiếu nước do tạo sữa: Sau khi sinh chị em sẽ bắt đầu giai đoạn nuôi con bắt sữa mẹ. Lúc này, lượng nước mà mẹ cung cấp cho cơ thể sẽ tham gia vào quá trình tạo sữa, điều này đã khiến cho đường ruột bị thiếu nước nghiêm trọng. Nhiều mẹ còn có tâm lý hạn chế uống nước để tránh gây loãng sữa. Chính vì những yếu tố trên mà phân của sản phụ đã trở nên khô cứng, khó đào thải ra ngoài và gây ra bệnh táo bón.
- Ít vận động: Sau khi sinh, sản phụ cần hạn chế đi lại và nằm trên giường để nghỉ ngơi. Điều này đã khiến cho nhu động ruột bị yếu đi và chậm đào thải phân ra ngoài. Phân tích tụ trong đường ruột trong thời gian dài sẽ tái hấp thụ nước, trở nên khô cứng và gây táo bón.
- Chế độ ăn uống: Sản phụ sau sinh có chế độ ăn uống kiêng khem rất kỹ để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa nuôi con. Việc tập trung bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể sau khi sinh cũng có thể gây ra tác dụng phụ là táo bón. Ngoài ra, tình trạng táo bón cũng có thể xảy ra nếu mẹ ăn nhiều chất đạm nhưng ít rau củ quả.
- Nhịn đi đại tiện: Sau khi sinh, việc đi đại tiện thường diễn ra rất khó khăn và gây đau nhức cho sản phụ. Điều này đã khiến cho mẹ ngại đi tiêu rồi nhịn đi tiêu, lâu dần sẽ gây ra tình trạng táo bón sau sinh.
- Suy giảm chức năng đường ruột: Trong thời gian thai kỳ, âm huyết của cơ thể mẹ sẽ tập trung đi nuôi dưỡng thai nhi. Lúc này, đại tràng sẽ không được nuôi dưỡng và trở nên khô hơn bình thường. Sau khi sinh, cơ thể mẹ sẽ bị mất đi lượng lớn huyết và sản dịch khiến cho cơ thể bị hư hao. Lúc này, máu sẽ không kịp lưu thông đến đại tràng để nuôi dưỡng cơ quan này. Điều này đã khiến cho chức năng của đại tràng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể và gây ra tình trạng táo bón.
- Bị táo bón trước khi sinh: Nếu bị táo bón ở giai đoạn thai kỳ thì sau khi sinh tình trạng này sẽ trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. Lúc này sản phụ sẽ bị đau đớn khi đi đại tiện, điều này đã làm gia tăng nguy cơ bị rách hậu môn và bệnh trĩ.
- Nguyên nhân khác: Táo bón cũng có thể xảy ra sau khi sinh do tác động của các yếu tố như sử dụng kháng sinh sau sinh mổ để chống nhiễm trùng, nội tiết tố thay đổi, thức đêm chăm con,…
Các cách điều trị táo bón sau sinh hiệu quả
Sau khi sinh, sản phụ sẽ tiến hành nuôi con bằng sữa mẹ. Các loại thực phẩm mà mẹ nạp vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa. Vì thế, việc sử dụng thuốc Tây y trị bệnh ở giai đoạn này cần được hạn chế để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Thay vào đó, bạn hãy áp dụng các biện pháp cải thiện táo bón tự nhiên và an toàn tại nhà như ăn uống lành mạnh, vận động cơ thể,… Trong quá trình điều trị táo bón, mẹ tuyệt đối không được lạm dụng các loại thuốc nhuận tràng hoặc thuốc thụt hậu môn để tránh phát sinh tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là các cách trị táo bón sau sinh hiệu quả mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
1/ Ăn uống lành mạnh: Sau khi sinh, sản phụ cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất để phục hồi lại thể lực và đủ sữa cho con bú. Chế độ ăn uống của mẹ cần có đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin A, vitamin D, sắt, kẽm, canxi,… Nên chia 3 bữa ăn chính thành 4 – 5 bữa nhỏ để sử dụng giúp hạn chế gây áp lực lên hệ tiêu hóa. Đồng thời, mẹ cũng nên hạn chế sử dụng các loại thức ăn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe sau khi sinh như đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, đồ uống có cồn, chất kích thích, nước đá lạnh,…
Để phòng ngừa táo bón, mẹ nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Chất xơ sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tạo khối phân và làm mềm phân, từ đó việc đi tiêu sẽ diễn ra thuận lợi hơn. Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng nuôi dưỡng lợi khuẩn đường ruột giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Chất xơ có rất nhiều trong các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây tươi, các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám,… Mẹ cũng có thể ăn thêm sữa chua để bổ sung lợi khuẩn đường ruột.
2/ Uống nhiều nước: Bổ sung đủ nước cho cơ thể sẽ có tác dụng làm ẩm niêm mạc ruột và làm mềm phân. Đây cũng được xem là một trong những cách điều trị và phòng ngừa bệnh táo bón khá tốt. Chuyên gia cho biết, phụ nữ sau sinh nên uống từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày. Ngoài nước lọc bạn cũng có thể uống nước trái cây, nước canh, sữa,…
Tốt hơn hết, mẹ nên uống nước ấm sau khi sinh. Nước ấm ngoài tác dụng kích thích tiêu hóa thì còn có khả năng kích sữa. Nếu thai phụ uống một cốc nước ấm mỗi ngày sẽ kích sữa về nhiều hơn. Ở trường hợp sản phụ gặp phải tình trạng khó ngủ, mẹ có thể sử dụng các loại trà ướp từ thảo dược tự nhiên như hoa cúc, chanh, thì là,… Thành phần dược tính trong các loại thảo dược này khi đi vào cơ thể còn có tác dụng làm thư giãn tinh thần và phòng tránh táo bón.
3/ Vận động nhẹ nhàng: Sau khi sinh, chị em không nên nằm một chỗ thường xuyên mà hãy dành thời gian để vận đông cơ thể. Cách này có tác dụng cải thiện sức khỏe và tăng cường trao đổi chất diễn ra bên trong cơ thể. Tập luyện còn kích thích lưu thông máu, tăng co thắt thành ruột và giúp phân dễ dàng di chuyển trong đường ruột. Vì vậy, sau khi hết thời gian ở cữ sản phụ nên duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày để cải thiện sức khỏe của bản thân và hạn chế tình trạng tích tụ chất thải bên trong ruột già. Tuy nhiên, chị em chỉ nên vận động nhẹ nhàng và thực hiện các bài tập thể dục phù hợp.
4/ Đi vệ sinh đúng cách: Đi vệ sinh đúng cách cũng là một trong những cách giúp sản phụ thoát khỏi tình trạng táo bón sau sinh. Ngược lại, nếu đi vệ sinh sai cách sẽ khiến tình trạng táo bón trở nên tồi tệ hơn và làm gia tăng nguy cơ phát sinh biến chứng. Việc đi vệ sinh của sản phụ cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:
- Tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ giúp ổn định hoạt động của cơ quan tiêu hóa. Thời gian đi vệ sinh tốt nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
- Đi vệ sinh đúng tư thế giúp dễ đào thải phân ra bên ngoài. Tư thế đi tiêu tốt nhất là ngồi xổm, ở tư thế này trực tràng sẽ tạo thành một đường thẳng.
- Tuyệt đối không nhịn đi tiêu mà hãy đi ngay khi có nhu cầu. Nhịn đi tiêu nhiều lần sẽ khiến cơ thể mất đi phản xạ đi tiêu tự nhiên và khiến triệu chứng táo bón trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. Đồng thời, thói quen nhịn đi tiêu còn khiến độc tố trong phân bị cơ thể hấp thụ ngược trở lại và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
5/ Ổn định tinh thần: Sau khi sinh bạn nên giữ cho tâm lý luôn ổn định và thoải mái, đây là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Lúc này, thai phụ hãy luôn lạc quan, vui vẻ và chủ động chia sẻ việc chăm con với chồng hoặc người thân. Tránh tình trạng lo âu, mất ngủ, buồn phiền,… Hãy giải tỏa căng thẳng bằng cách vận động, làm việc nhà hoặc nấu ăn. Ổn định tinh thần còn giúp đẩy lùi chứng trầm cảm sau sinh rất tốt.
Món ăn hỗ trợ điều trị táo bón sau sinh
Bên cạnh việc thực hiện điều trị bằng các liệu pháp tự nhiên ở trên, sản phụ cũng có thể bổ sung thêm các món ăn sau đây vào trong chế độ ăn uống hàng ngày để hỗ trợ đẩy lùi chứng táo bón:
Cháo cà rốt
– Nguyên liệu:
- 200 gram cà rốt
- 100 gram cuộn bắp cải non
- 100 gram gạo nếp
- 100 gram thịt lợn nạc
- Gia vị nêm nếm
– Cách chế biến:
- Cà rốt đem rửa sạch, gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài rồi nạo thành sợi. Gạo vo sạch sẽ rồi đem đi xay thành bột. Cuộn bắp cải rửa sạch rồi để ráo.
- Thịt lợn rửa sạch rồi đem băm nhuyễn, cho thịt lợn băm vào bát ướp với gia vị khoảng 15 phút cho thấm.
- Cho gạo xay vào nồi cùng với 250ml nước rồi bắc lên bếp đun trên lửa nhỏ. Khi cháo sôi thì cho cà rốt và cuộn bắp cải vào, dùng thìa khuấy đều tay.
- Sau đó tiếp tục cho thịt lợn vào nấu chung rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Nấu cho đến khi tất cả các nguyên liệu trên chín mềm thì tắt bếp.
- Múc cháo ra bát, cho sản phụ ăn ngay khi còn nóng. Sử dụng món này từ 3 – 5 ngày, tình trạng táo bón sau sinh sẽ thuyên giảm đáng kể.
Chè chuối tiêu
– Nguyên liệu:
- 3 quả chuối tiêu chín
- 30 gram đường trắng
– Cách chế biến:
- Chuối tiêu đem lột bỏ vỏ, cho vào bát rồi đánh nhừ thành kem. Sau đó thêm 200ml nước vào rồi dùng thìa khuấy đều.
- Cho hỗn hợp trên vào nồi rồi bắc lên bếp đun trên lửa nhỏ. Khi sôi thì cho lượng đường trắng đã chuẩn bị vào.
- Tiếp tục đun cho đến khi đường tan hết thì tắt bếp. Chia món ăn này thành 2 phần dùng để ăn trong ngày. Sử dụng liên tục trong 3 ngày bạn sẽ thấy được hiệu quả.
Chè khoai lang
– Nguyên liệu:
- 200 gram khoai lang
- 50 gram đường đỏ
- 10 gram nghệ vàng
– Cách chế biến:
- Nghệ đem rửa sạch sẽ, cạo bỏ vỏ rồi giã nhỏ. Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt miếng vừa ăn.
- Cho nghệ và khoai vào nồi cùng với 300ml nước, bắc lên bếp đun trên lửa nhỏ cho đến khi khoai chín mềm thì thêm đường vào.
- Nấu cho nước sôi trở lại thì tắt bếp, chia món ăn này thành 2 phần, dùng để ăn ngay lúc đói.
Trên đây là những thông tin cần biết về tình trạng táo bón sau sinh bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Khi bị táo bón, sản phụ nên có biện pháp can thiệp càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày. Sau khi triệu chứng táo bón đã được kiểm soát tốt, bạn cũng nên duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và sinh hoạt khoa học để phòng ngừa tái phát trở lại.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!